Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ luật Tố tụng dân sự nên quy định thời điểm đương sự xuất trình chứng cứ, đương sự có nghĩa vụ chứng minh, xuất trình chứng cứ và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan của chứng cứ, nếu Luật không quy định thì đương sự có thể lợi dụng, trình ra một số chứng cứ có lợi cho họ, sau đó lại trình ra một số chứng cứ khác gây khó khăn cho Tòa án. Về thu thập chứng cứ, chỉ đề cập đến hoạt động của Tòa án mà chưa quy định hoạt động thu thập chứng cứ của những người tham gia tố tụng, đề nghị cần quy định thêm. Đề nghị phải có chế tài xử phạt đối với cá nhân, người đứng đầu tổ chức không cung cấp hoặc cố tình kéo dài việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu Tòa án sẽ đình chỉ việc giải quyết vụ án và quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay để tránh trường hợp đương sự rút khởi kiện và sau đó có thể tiếp tục khởi kiện thì Tòa án phải mở phiên tòa khác, làm kéo dài quá trình tố tụng. Đối với Luật phòng, chống mua bán người: Do tính chất đặc thù và hậu quả mà nạn nhân bị mua bán phải gánh chịu rất nặng nề, đề nghị quy định việc bồi thường thiệt hại phải thực hiện theo hướng mở rộng để bù đắp cho nạn nhân. Đề nghị bổ sung quy định về các biện pháp bảo vệ cho “người tố cáo, cung cấp thông tin về các hành vi mua bán người và các hành vi có liên quan đến mua bán người”. Vì đây cũng là đối tượng cần được bảo vệ. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đã tổng hợp và báo cáo về Văn phòng Quốc hội để xem xét, hoàn chỉnh dự thảo.

Phạm Ngọc